Giải đáp: Polyp dạ dày có nguy hiểm không?

Polyp dạ dày – hay polyp bao tử – là khối tế bào hình thành trên lớp niêm mạc lót bên lòng dạ dày. Những khối polyp này thì hiếm gặp và thường không gây ra bất kì triệu chứng nào. Chúng thường được phát hiện ngẫu nhiên qua nội soi thực quản – dạ dày vì một bệnh lý khác.

Hầu hết polyp dạ dày không tiến triển thành ung thư. Tuy vậy, có vài tuýp polyp nhất định có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Điều trị và theo dõi polyp dạ dày cũng tùy thuộc vào tuýp polyp, bản chất và kích thước của chúng.

Polyp dạ dày thường không gây triệu chứng hay dấu hiệu gì. Rất nhiều người không hề biết mình có polyp dạ dày cho đến khi vô tình phát hiện chúng qua nội soi.

Đôi khi, một khối Polyp lớn nhanh quá dẫn đến bị loét bề mặt và chảy máu. Khi đó chúng có thể gây triệu chứng chảy máu tiêu hóa. Vì chảy máu lượng ít nên người bệnh thường chỉ đi tiêu phân đen hay tiêu máu ẩn trong phân. Hiếm gặp hơn nữa, khối Polyp to quá chiếm chỗ trong dạ dày gây tắc môn vị (môn vị là phần cuối của dạ dày, nối dạ dày với tá tràng). Khi đó bệnh nhân sẽ có cảm giác óc ách, nặng bụng và ăn không tiêu.

Triệu chứng và dấu hiệu của polyp có thể là:

  • Đau khi khám hay ấn ở vùng bụng, nhất là vùng dạ dày.
  • Nôn ói.
  • Đi tiêu phân đen như bã cà phê.
  • Thiếu máu mạn. Do polyp chảy máu rỉ rả kéo dài mà không được phát hiện.


Sự hình thành của polyp là hậu quả của sự phản ứng quá mức của dạ dày trước những yếu tố phá hủy. Những nguyên nhân thường gặp của polyp dạ dày là:

  • Đa polyp tuyến gia đình. Hội chứng đa polyp tuyến gia đình thì hiếm gặp. Hội chứng di truyền này gây ra nhiều polyp tế bào tuyến đáy ở niêm mạc dạ dày. Những polyp tuyến đáy này có thể phát triển thành u tế bào tuyến, sau đó hóa ác. Do đó, những polyp này cũng nên được cắt bỏ.
  • Sử dụng thường xuyên thuốc dạ dày. Polyp tế bào tuyến đáy thường xảy ra ở những người sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) để giảm acid dạ dày (ví dụ như Omeprazole, Pantoloc, Nexium,..). Những polyp loại này thường có kích thước nhỏ và không đáng ngại lắm. Những polyp tế bào tuyến đáy có kích thước hơn lớn 1 xăng-ti-mét có thể tăng nguy cơ ung thư. Nếu polyp xuất hiện do dùng thuốc PPI, bác sĩ có thể gợi ý ngưng thuốc và/hoặc cắt bỏ polyp.


Ngoài ra, những yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ phát triển polyp dạ dày bao gồm:

  • Tuổi. Polyp dạ dày thường xuất hiện từ độ tuổi trung niên đến người già. Nếu polyp xuất hiện ở người trẻ (dưới 40 tuổi), nên nghĩ đến các bệnh polyp di truyền.
  • Nhiễm trùng dạ dày. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn Hp) thường gây ra viêm dạ dày mạn, có thể dẫn đến sự hình thành polyp tăng sản hay u tế bào tuyến.
  • Tiền căn đa polyp gia đình. Nếu trực hệ gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột và con ruột) có bệnh đa polyp, người đó cũng nên được tầm soát bệnh.

Những xét nghiệm thường được dùng để chẩn đoán polyp dạ dày bao gồm:

  • Nội soi thực quản – dạ dày. Bác sĩ sẽ dùng 1 ống nhỏ và mềm có đầu là camera đưa từ miệng qua thực quản đến dạ dày và 1 phần tá tràng. Hình ảnh dạ dày từ camera sẽ được chiếu lên màn hình để quan sát. Nội soi thực quản – dạ dày giúp đánh giá tình trạng viêm, loét dạ dày và các khối bất thường như polyp hay khối u trong dạ dày.


Điều trị polyp thường có 3 phần: cắt bỏ khối polyp, điều trị tiệt trừ Hp và theo dõi sau đó.

Điều trị nhiễm trùng Helicobacter pylori

Nếu nguyên nhân gây ra polyp là viêm dạ dày mạn do nhiễm Hp, bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị tiệt trừ Hp với kháng sinh. Điều trị Hp có thể khiến những polyp tăng sản giảm kích thước rồi biến mất cũng như ngăn ngừa polyp tái phát.


Điều trị và theo dõi polyp

Polyp tăng sản

  • Kích thước dưới 0.5 cm: Có thể theo dõi mà không cần cắt bỏ. Điều trị tiệt trừ Hp.
  • Kích thước từ 0.5 cm: Cắt bỏ qua ngả nội soi và điều trị Hp.

Nội soi lại thường sau 6 tháng để kiểm tra tình trạng nhiễm Hp. Những polyp này thường không tái phát và hiếm khi hóa ung thư.

Polyp tế bào tuyến đáy

Hay gặp ở những bệnh nhân sử dụng thuốc PPI để giảm acid dạ dày. Thường xuất hiện ở độ tuổi 40.

  • Những polyp lớn hơn 1cm, bị loét bề mặt hoặc ở vùng hang vị nên được cắt bỏ và làm sinh thiết. Nếu kết quả có tân sinh hay dị sản (những tổn thương gợi ý có thể hóa ung thư), cần phải nội soi kiểm tra ít nhất mỗi năm một lần hay gần hơn theo chỉ định của bác sĩ. Nếu không, có thể tạm thời yên tâm và không cần kiểm tra quá thường xuyên.


Hiếm gặp, thường di truyền.

Những dấu hiệu gợi ý bệnh polyp di truyền như:

  • Phát hiện polyp trước tuổi 40;
  • Đa polyp: có hơn 20 polyp;
  • Polyp ở vùng hang vị;
  • Đồng thời có polyp ở tá tràng hay những vị trí khác trên đường tiêu hóa.

Những bệnh nhân này nên được nội soi toàn bộ đường tiêu hóa để kiểm tra. Nếu đã chẩn đoán đa polyp tiêu hóa, những người trực hệ (bố mẹ, anh chị em ruột và con ruột) cũng nên được tầm soát bệnh.

U tế bào tuyến (Adenoma)

Những polyp có kích thước lớn, polyp dạng tuyến hay u tế bào tuyến có tiềm năng hóa ác đều cần được loại bỏ. Theo dõi bằng nội soi dạ dày theo hướng dẫn của bác sĩ để tầm soát polyp tái phát và giúp phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư.